Chúng ta không nhất thiết phải trở thành người đầy tớ đáng thương cho chiếc điện thoại của mình.

Thời buổi này, thật bất ngờ nếu như bạn bước chân ra khỏi đường mà không thấy bất kì một người nào đang sử dụng điện thoại di động.

Không cần phải viện dẫn các con số thống kê “quyền lực”, chúng ta thừa hiểu quỹ thời gian một ngày bản thân dành cho điện thoại nhiều như thế nào. Bất kể mục đích sử dụng là để phục vụ công việc hay các hoạt động giải trí, điện thoại luôn là người bạn đồng hành “ngồi” chễm chệ trên lòng bàn tay của chúng ta. Lượng thông tin được ta tiếp cận mỗi ngày hơn gấp nhiều lần các thời đại trước đây. Chúng ta trăn trở cập nhật xu hướng, khát những thông tin có giá trị để có thể tán gẫu với cộng đồng. Chúng ta thậm chí còn có hẳn những group phục vụ cho mọi nhu cầu của mình, làm trải nghiệm thâu đêm suốt sáng bên chiếc điện thoại chỉ là chuyện “dễ òm”. Tuy nhiên, sử dụng bất kì một cái gì quá nhiều cũng không tốt cho cơ thể, và điện thoại cũng không nằm ngoài “lối mòn” đó.

Người trẻ dần trở nên thành “nô lệ” của smartphone

Một trong những nghiên cứu được nhiều người biết đến nhất đã chỉ ra rằng: Sử dụng điện thoại liên tục có thể gây những hệ luỵ tiêu cực cho hệ thần kinh của chúng ta. Nói cách khác, nếu bạn bám víu chiếc điện thoại của mình trong một thời gian dài, trí nhớ cũng như khả năng tập trung của bạn sẽ bị suy giảm trầm trọng.

Dễ hiểu hơn nữa, nếu bạn đã sẵn lòng để trở thành người đầy tớ trung thành cho chiếc điện thoại, vậy bạn hãy chuẩn bị tinh thần trở thành một người đãng trí, lúc nào cũng căng thẳng, và chẳng có bạn bè nào xung quanh mình!

Nếu đầu óc của bạn vẫn còn minh mẫn, không khó để bạn có thể nhận thấy những thay đổi từ việc sử dụng điện thoại gây ra, và phần lớn chẳng phải điều gì đáng mừng. Nhưng thực tế một chút, đã trở thành con chiên ngoan đạo của chiếc điện thoại rồi, đầu óc ai mà chẳng mụ mẫm!

Thử dừng lại mà nghĩ một chút xem, thuật ngữ “nghiện điện thoại” không phải là không có cơ sở. Cũng giống như ma tuý, thuốc phiện, việc thiếu đi một chiếc điện thoại ở trên tay có thể khiến người nghiện cảm thấy bồn chồn, lo lắng, không kiểm soát được bản thân. Chắc hẳn các bạn ai cũng từng một lần trải nghiệm cảm giác này, và tôi tin rằng các bạn hoàn toàn không thích tình huống đó chút nào, đúng không?

Con nghiện điện thoại khiến não ngày càng trở nên “phẳng”

Bạn có bao giờ để ý, khi mình nhấn “like” trên một trang bán hàng bất kì nào đó trên Facebook, một loạt các quảng cáo bày bán các sản phẩm tương tự sẽ đổ bộ trên New feed của mình không?

Bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao mình luôn “may mắn” tìm được đúng ưu đãi mình đang cần khi lướt điện thoại?

Bằng một sức mạnh mang tên Digital Marketing, những người làm quảng cáo đã truy tìm được những miếng “cà rốt” ngon lành mà não bộ chúng ta đang khát khao tìm kiếm, và sử dụng nó như một trợ thủ đắc lực để thao túng chúng ta sử dụng điện thoại nhiều hơn mỗi ngày. Đối với ta, điện thoại đóng vai trò như chiếc túi thần kì của Doraemon, có thể giúp chúng ta sở hữu bất kì thứ gì chúng ta muốn, cho dù chúng ta có vụng về, nhút nhát như Nobita.

Con người dần trở thành “thú cưng” của smartphone

Và cũng chính vì vậy, cũng không có gì khó hiểu khi những event ý nghĩa với nội dung ngừng sử dụng điện thoại thường thu được kết quả không mấy khả quan. Một là, không nhiều người quan tâm đến nó. Hai là, những người tham gia cũng sẽ nhanh chóng từ bỏ sau từ 1 đến 2 tuần. Nhưng tôi không có ý rằng, việc sử dụng điện thoại là hoàn toàn không thể. Việc từ bỏ điện thoại giống như việc tìm kiếm hạnh phúc thực sự, sẽ chẳng có con đường hoa hồng, mà bạn sẽ phải vượt qua vô vàn chông gai để sở hữu nó.

Ở phần tiếp theo, tôi sẽ hướng dẫn các bạn một số cách để cai nghiện điện thoại thành công.

Muốn cai nghiện điện thoại thành công, bạn phải trả lời được câu hỏi: “Tôi đang muốn gì? Đâu là cái tôi chưa có nhu cầu?”

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của điện thoại. Chúng thực sự giúp chúng ta đơn giản hoá nhiều việc trong cuộc sống bộn bề. Nhưng ở chiều ngược lại, đã bao giờ bạn thoáng nghĩ rằng: Dường như mình đang sử dụng điện thoại quá nhiều, thời gian mà chúng ta đáng lý có thể dành cho gia đình, bạn bè, liệu có đang bị đánh đổi bởi hành vi “nghiện” điện thoại của mình không. Hãy phân định thật rạch ròi, khi nào mình thực sự cần dùng điện thoại, khi nào không. Nếu việc sử dụng điện thoại chỉ đơn giản để giúp bạn đỡ cảm thấy ngượng ngùng, nhàm chán, hãy mạnh dạn từ bỏ.

Cảm xúc dần mất đi, con người dần vô cảm

TÔI SẼ BỚT DÙNG ĐIỆN THOẠI, KỂ TỪ NGÀY HÔM NAY.

Lời tuyên bố nghe hùng hồn, nhưng sẽ trở nên vô giá trị nếu như bạn không thực sự nghiêm túc. Điều này cũng giống như việc nhiều người bị ám ảnh về việc giảm cân, thậm chí để màn hình chờ với khẩu hiệu đầy quyết tâm, nhưng cuối cùng thì đâu vẫn hoàn đấy. Nếu bạn thực sự muốn mình cai nghiện điện thoại thành công, thay vì một câu khẩu hiệu mạnh mẽ, bạn phải biết được tại sao mình muốn thay đổi, thay đổi như vậy có lợi ích gì cho mình,…Hãy nghĩ về những điều bạn có thể làm nếu như không kè kè chiếc điện thoại bên cạnh, và hãy tưởng tượng xem những chuyện đó có thể trở nên thú vị thế nào.

Cuối cùng, nếu một ngày bạn thấy mình kết thúc với chiếc điện thoại trên tay, đừng từ bỏ. Hành trình cai nghiện là hành trình đòi hỏi nỗ lực kiên trì, bền bỉ, nếu bạn có đủ ý chí, tôi tin bạn sẽ làm được.

Thay đổi thói quen là một bài kiểm tra đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, thậm chí là cả sự hi sinh. Nhưng khi bạn vượt qua bài kiểm tra này, bạn sẽ thấy mình trở nên can trường, mạnh mẽ, vững vàng hơn bao giờ hết. Chúc các bạn thành công!

Theo tri thức trẻ