Những quảng cáo hay những bình luận về đồ ăn vô tình có thể phải đối mặt với làn sóng giận dữ, chỉ trích trên mạng xã hội, theo BBC.
Mới đây, một nhà hàng nấu món ăn Trung Quốc do một cặp vợ chồng người Mỹ gốc Do Thái mở mang tên Lucky Lee’s, đã tự quảng cáo là cung cấp thực phẩm Trung Quốc “sạch” với các thành phần tốt cho sức khỏe và không khiến mọi người cảm thấy “đầy hơi và khó chịu vào ngày hôm sau”.
Chủ nhà hàng nói với trang web Eater: “Có rất ít [nhà hàng của] người Mỹ gốc Hoa quan tâm đến chất lượng của các nguyên liệu như [nhà hàng] chúng tôi”.
Quảng cáo về nhà hàng ngay lập tức đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội với cáo buộc dùng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc, chiếm đoạt văn hóa và thiếu hiểu biết về thực phẩm Trung Quốc. Tài khoản Instagram của nhà hàng bị bao vây với hàng ngàn bình luận giận dữ, trong đó có một số người nghi ngờ về việc một cặp vợ chồng da trắng đang điều hành một nhà hàng nấu món ăn Trung Quốc.
Đối diện với làn sóng chỉ trích, nhà hàng Lucky Lee’s lên tiếng rằng họ không “bình luận tiêu cực về tất cả các món ăn Trung Quốc… Ẩm thực Trung Quốc rất đa dạng và có nhiều hương vị khác nhau (thường là ngon theo quan điểm của chúng tôi) và có lợi cho sức khỏe”.
Chủ nhà hàng, Arielle Haspel, nói với New York Times: “Chúng tôi rất xin lỗi. Chúng tôi không bao giờ cố gắng làm điều gì đó chống lại người Trung Quốc. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đang phục vụ một món ăn cực kỳ quan trọng, theo cách phục vụ cho những người có yêu cầu ăn kiêng nhất định”.
Ở Anh, chuỗi siêu thị Marks và Spencer đã bị buộc tội chiếm đoạt văn hóa sau khi chuỗi siêu thị này tạo ra món cơm biriyani thuần chay, món ăn được biết tới là món ăn đặc trưng của người Ấn Độ và thường được ăn với thịt.
Và một nhà hàng mới của vị đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsay ở London đã bị chỉ trích vì bán đồ ăn như một “bếp ăn châu Á đích thực” mặc dù không có đầu bếp châu Á.
Theo BBC, thực phẩm trở thành chủ đề nhạy cảm và thường gây ra phản ứng mạnh mẽ là do thực phẩm thường được liên kết chặt chẽ với bản sắc dân tộc. Krishnendu Ray, một nhà xã hội học và giáo sư nghiên cứu thực phẩm tại Đại học New York cho biết những người nhập cư thế hệ thứ hai và thứ ba thường có “cảm giác mất đi văn hóa của chính họ, trang phục của họ là phương tây, ngôn ngữ của họ là phương Tây và thực phẩm gần như là lĩnh vực văn hóa cuối cùng mà họ lưu giữ ký ức sống động”.
Luke Tsai, sống ở vịnh San Francisco, Mỹ, người thường viết về các món ăn nói rằng anh đã “hơi xấu hổ” về đồ ăn Trung Quốc khi còn nhỏ, “tôi không muốn mang đồ ăn Trung Quốc cho bữa trưa ở trường, tôi muốn có một chiếc bánh sandwich hoặc pizza… Mọi người thường nói: ‘tại sao bạn lại ăn thứ có mùi đó? Thật là kinh khủng!’”.
“Nhưng đối với nhiều người trong chúng ta khi già đi, chúng ta nhớ những món ăn mà cha mẹ từng nấu cho chúng ta ăn và nó trở thành một nguồn hoài niệm lớn, như nó thường bủa vây lấy những người châu Á di cư”, Luke Tsai cho biết.
Anh Luke cho biết nhiều nhà hàng Trung Quốc đã cố điều chỉnh thực đơn với nhiều món chiên hoặc nước sốt đặc hơn vì đó là những món mà “người da trắng” thích ăn, “lý do họ mở những nhà hàng đó không phải vì họ không thể nấu món ăn Trung Quốc ‘thật’ của họ, vì đó là những gì họ phải làm để tồn tại”.
“Vì vậy, … tự dưng có một nhà hàng mở ra và nói ‘chúng tôi không giống như những nhà hàng người Mỹ gốc Hoa mà bạn biết, chúng tôi phục vụ thực phẩm Trung Quốc sạch’ sẽ gây tổn thương và khó chịu cho nhiều người”, anh Luke nói.
Francis Lam, một người dẫn chương trình phát thanh nói rằng đối với những người chống lại sự chiếm đoạt văn hóa, vấn đề không phải là “ai được phép hay không được phép làm gì”, mà là về cách thức thực hiện.
“Nếu bạn định quảng bá bản thân như một người nấu ăn hoặc bán thức ăn từ một nền văn hóa mà bạn không lớn lên, tôi muốn nói rằng bạn nên có trách nhiệm đảm bảo rằng bạn đang làm điều đó theo cách thực sự tôn trọng những người lớn lên trong nền văn hóa đó”, Francis Lam nói.
Theo: Đại kỷ nguyên
Foodtechmaster.vn – Tin tức R&D thực phẩm Việt Nam