Trong ngành công nghiệp thực phẩm, khả năng tạo ra một mạng lưới giao dịch mạng khép kín của Blockchain có thể giúp người tiêu dùng theo dõi nguồn gốc của các mặt hàng thực phẩm khác nhau.
Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm bẩn hoặc bệnh tiềm ẩn trong thực phẩm, việc truy xuất ra lô hàng kém chất lượng bằng cách sử dụng Blockchain sẽ vô cùng dễ dàng và nhanh chóng. Vậy ứng dụng của Blockchain là gì và làm thế nào Blockchain được ứng dụng vào F&B, hãy cùng Foodtechmaster tìm hiểu qua bài viết tin tức R&D dưới đây nhé.
Blockchain cung cấp những giao dịch an toàn cho người dùng
1. Bệnh do thực phẩm và các con số
Bệnh do thực phẩm bị ô nhiễm là mối lo ngại dai dẳng không chỉ đối với người dân chúng ta, mà còn đối với chính phủ. Theo dữ liệu toàn cầu mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 582 triệu người trên thế giới đã mắc phải bệnh do thực phẩm bị ô nhiễm trong năm 2010.
Các chính phủ ở cấp độ toàn cầu và quốc gia cần thực hiện các biện pháp bảo vệ chống ô nhiễm thực phẩm và nhanh chóng đối phó với các vụ dịch liên quan đến thực phẩm. Người tiêu dùng cũng nên đảm bảo rằng họ thực hiện vệ sinh thực phẩm và nấu ăn đúng cách.
Trong năm 2010, 582 triệu người trên thế giới đã mắc phải bệnh do ô nhiễm thực phẩm
Mặc dù vấn đề này đã thu hút sự chú ý của chính phủ thì người tiêu dùng và các công ty thực phẩm trên toàn thế giới cũng nên quan tâm đến vấn đề này. Với sự toàn cầu hóa ngày càng tăng của thương mại và phân phối thực phẩm, cơ hội ô nhiễm trong chuỗi cung ứng thực phẩm là rất cao.
Hơn nữa, bệnh từ thực phẩm xuất hiện hàng loạt có thể phá hủy danh tiếng của các công ty cung ứng, và trong một số trường hợp, phải mất nhiều năm để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng ngày nay ưu tiên tìm kiếm các nhà cung cấp thực phẩm đáng tin cậy và có trách nhiệm tiến hành kiểm tra thường xuyên trong các cơ sở buôn bán của họ. Một ví dụ đáng nhắc tới là sự bùng phát Escherichia coli tại các cửa hàng Chipotle năm 2006. Ngoài việc mất doanh số thông qua việc đóng cửa hàng để xử lý ô nhiễm, doanh số của cửa hàng đã giảm 5%, 11%, 7% và 6% so với năm ngoái.
Mối nguy hại từ thực phẩm không an toàn đang tăng cao
2. Nguyên nhân và triệu chứng ngộ độc thực phẩm:
Ngộ độc thực phẩm, còn được gọi là bệnh từ thực phẩm, là một vấn đề sức khỏe cộng đồng phổ biến, nguy hiểm và tốn kém do tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm. Nó tiêu tốn hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm và vẫn là thách thức không ngừng đối với người tiêu dùng, nhà nghiên cứu, chính phủ và ngành công nghiệp thực phẩm.
Norovirus, Salmonella, Clostridium perfringens và Campylobacter là một trong những mầm bệnh truyền qua thực phẩm phổ biến nhất. Thông thường, những người bị nhiễm bệnh sẽ có các triệu chứng như buồn nôn hoặc tiêu chảy.
Ngộ độc thực phẩm là thách thức lớn đối với người tiêu dùng, chính phủ và ngành công nghiệp thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra vì nhiều lý do:
- Thịt chưa nấu chín
- Các nguyên liệu tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm
- Rau sống chưa rửa đúng cách
- Xử lý hoặc bảo quản thực phẩm không đúng cách
Vận chuyển và phân phối các thực phẩm bị ô nhiễm này dẫn đến sự lây lan của mầm bệnh do đó người tiêu dùng đồng thời các nhà sản xuất cần tìm cách để truy tìm nguồn gốc thực phẩm xấu, xóa bỏ mối đe dọa khi có dịch bệnh xuất hiện.
Rau củ không được vệ sinh đúng cách gây hại lớn cho sức khỏe người dùng
3. Giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain
Để ngăn chặn ô nhiễm thực phẩm trong chuỗi cung ứng và bắt đầu tiến tới ngăn chặn cả tổn thất tài chính và con người, một số “ông lớn” trong ngành thực phẩm thế giới bao gồm Dole, Unilever, Walmart, Golden State Food, Kroger, Nestle, Tyson, Công ty McLane và McCormick & Co. đang cùng nhau xây dựng một giải pháp liên quan đến công nghệ ứng dụng Blockchain, hợp tác, phát triển cùng IBM.
Blockchain mang lại giải pháp tuyệt vời cho vấn nạn vệ sinh thực phẩm
Blockchain hoạt động ra sao?
Theo tin tức R&D, trong các hệ thống phân phối truyền thống, có thể mất vài tuần để xác định đâu là thực phẩm bị ô nhiễm, điểm nhập hàng, điểm xuất hàng và nhà cung cấp. Vấn đề chính không phải là thiếu thông tin mà là sự hạn chế quyền truy cập.
Giải pháp Blockchain của IBM được xây dựng trên công nghệ “sổ cái phân tán”, cung cấp chế độ xem các chia sẻ dữ liệu giao dịch có sẵn cho tất cả những người được cấp quyền tham gia trong mạng. Thông tin sản phẩm được kết nối kỹ thuật số với các mặt hàng thực phẩm và được ghi vào Blockchain ở mỗi bước của quy trình để tạo ra một hệ thống hồ sơ đáng tin cậy.
Blockchain cho phép những cá nhân liên quan kết nối với các dữ liệu
Khi làm như vậy, Blockchain có thể theo dõi một cách minh bạch nguồn gốc của hàng hóa khi chúng được chuyển từ nơi này đến nơi khác. Cuối cùng, mỗi thông tin (thông tin về nhà cung cấp, chi tiết về cách thức và nơi sản xuất thực phẩm và người kiểm tra,…) sẽ cung cấp các dữ liệu quan trọng có khả năng tiết lộ nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm.
Giải pháp Blockchain sẽ cải thiện đáng kể tính minh bạch của chuỗi cung ứng. Với giải pháp này, tất cả những người tham gia trong chuỗi cung ứng – nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà bán lẻ, giám sát viên và người tiêu dùng – sẽ có thể truy cập tất cả các thông tin liên quan đến thực phẩm, từ nguyên liệu gốc đến chi tiết về cách thức và nơi thức ăn được trồng, sản xuất và ai đã kiểm tra nó.
Điều này có nghĩa là các nhà cung cấp thực phẩm có thể sử dụng Blockchain để nhanh chóng theo dõi các sản phẩm bị ô nhiễm, để loại bỏ chúng khỏi kệ hàng. Ví dụ: nếu có một vấn đề với sự bùng phát của E. coli, nguồn gốc của bệnh có thể được xác định ngay lập tức bằng cách sử dụng giải pháp Blockchain.
Người tiêu dùng có thể truy ra nguồn gốc của thực phẩm dễ dàng nhờ Blockchain
5. Mất bao lâu để theo dõi một mặt hàng thực phẩm cụ thể?
Được biết đến là chủ sở hữu của một trong những hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm tốt nhất trong ngành, Walmart đã hoàn thành một thử nghiệm sử dụng các phương pháp truyền thống để truy tìm nguồn gốc của xoài.
Tin tức R&D đã ghi nhận, cuộc thử nghiệm đã khiến họ mất sáu ngày, 18 giờ và 26 phút để theo dõi một gói xoài đến trang trại gốc. Bằng cách sử dụng Blockchain, chỉ mất 2,2 giây. Giải pháp tự động và an toàn này mở ra một kỷ nguyên mới về tính minh bạch trong hệ thống thực phẩm toàn cầu vì tất cả những người tham gia sẽ có thể chia sẻ thông tin nhanh chóng trên một mạng lưới đáng tin cậy.
Công nghệ này có thể được áp dụng cho cả quy trình đơn giản (trồng, thu hoạch, đóng gói, giao hàng) cũng như các quy trình phức tạp (nhiều quy trình và nguyên liệu tập hợp lại để hoàn thành một sản phẩm đích).
Việc theo dõi quy trình sản xuất sản phẩm sẽ dễ dàng hơn với Blockchain
6. Dữ liệu chứa trong một bản ghi Blockchain
Có 2 dạng dữ liệu trong một bản ghi Blockchain:
6.1. Giao dịch
Đây là những hồ sơ đơn giản về giao dịch, chẳng hạn như nhà cung cấp A đã vận chuyển 1000 đơn vị sản phẩm X cho nhà cung cấp B.
6.2. Mã chuỗi
Đây là chuỗi hồ sơ được gọi là “hợp đồng thông minh” hoạt động dựa trên các bộ quy tắc nhất định. Ví dụ: nhà cung cấp A xác nhận sản xuất 1.000 hộp trứng mỗi tháng do đó, họ không thể vận chuyển hơn 1.000 đơn vị một tháng, hoặc sản phẩm X yêu cầu thành phần Y & Z và do đó bạn có thể sản xuất X nếu có hàng tồn kho của Y & Z.
Cách Blockchain hoạt động dựa trên các thuật toán bảo mật và khép kín
Hy vọng qua bài chia sẻ trên đây, quý bạn đọc sẽ có cái nhìn sâu sát hơn về công nghệ Blockchain và những lợi ích của nó đối với ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp thực phẩm nói riêng. Ở bài viết tin tức R&D sau, 6 ứng dụng tuyệt vời mà Blockchain mang lại sẽ được Foodtechmaster phân tích cụ thể hơn, hãy cùng đón đọc nhé.
Bài viết được dịch từ:
https://www.prescouter.com/2017/09/blockchain-food-industry/
Trung Kiên