Xuất hiện vào cuối năm 2019, chủng virus mới mang tên Covid-19 đã lan rộng và để lại nhiều tác động lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Theo các tin tức R&D được cập nhật, người tiêu dùng trong nước đã thay đổi thói quen sống và tiêu dùng các mặt hàng FMCG dưới ảnh hưởng của đại dịch. Dựa trên kết quả khảo sát của Nielsen Việt Nam kết hợp cùng Infocus Mekong Mobile Panel, chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc những thông tin tổng hợp về phản ứng của người dùng nội địa và các xu hướng nổi bật trong bối cảnh dịch bệnh chưa kết thúc.
Covid-19 đang tạo nên sự thay đổi lớn trong thói quen ăn uống và mua sắm của người Việt Nam
1. Phản ứng của người tiêu dùng trong nước như thế nào?
Nhìn chung, kết quả khảo sát cho thấy người tiêu dùng Việt Nam hiểu biết về nguồn gốc và triệu chứng của Covid-19 với 65% người tham gia khảo sát theo dõi tin tức và cập nhật về căn bệnh này mỗi ngày. Theo đó, người dùng tiếp cận thông tin từ ba nguồn chính bao gồm phương tiện truyền thông xã hội (82%), tin nhắn từ Bộ Y tế (79%) và tin tức trên TV (78%). Ngoài ra, có đến 95% số người được hỏi trả lời rằng họ cảm thấy quan ngại trước tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, nguy cơ lây lan bệnh ở Việt Nam không cao. Đồng thời, hầu hết người tham gia khảo sát cho rằng Covid-19 sẽ kéo dài trong 2 – 3 tháng.
Tuy nhiên, không chỉ dừng ở việc nhận thức, người Việt Nam đang hành động để bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh này. Trong đó, có đến 89% người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, 87% rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và 81% tránh những nơi công cộng hoặc những địa điểm tụ tập đông người.
Người tiêu dùng trong nước trang bị khẩu trang và dung dịch vệ sinh khi ra khỏi nhà
Có thể thấy từ những phản hồi của người tiêu dùng trong cuộc khảo sát, Covid-19 đã tác động đáng kể đến hành vi chung của người Việt Nam. Cụ thể hơn, 47% người dùng nói rằng họ đã thay đổi thói quen ăn uống trong khi 60% trong số đó đã điều chỉnh lại các hoạt động giải trí/vui chơi. Ngoài ra, 70% người Việt Nam phải xem xét các kế hoạch du lịch đã chuẩn bị từ trước và 44% cảm thấy thu nhập của họ đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cũng từ kết quả khảo sát của Nielsen do tin tức R&D tổng hợp, có sự thay đổi lớn trong thói quen tiếp cận truyền thông hàng ngày của người Việt Nam. Trong đó, dưới tác động kéo dài của Covid-19, 40% người tham gia khảo sát cho biết họ dành nhiều thời gian hơn để xem TV và 35% theo dõi tình hình dịch bệnh qua các nội dung trực tuyến.
Bên cạnh thói quen sống, hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng thay đổi theo hướng chú trọng sức khỏe
2. Sự thay đổi trong thói quen mua hàng và tiêu dùng
Theo các tin tức R&D, Covid-19 không chỉ tác động đến hành vi chung của người dùng mà còn tạo nên những thay đổi trong cách mua sắm và tiêu dùng các mặt hàng bên ngoài. Theo khảo sát, 45% số người được hỏi cho biết họ đang dự trữ nhiều thực phẩm tại nhà hơn trước. Bên cạnh đó, các kênh mua sắm truyền thống cũng bị ảnh hưởng lớn khi hơn 50% người dân quyết định giảm tần suất mua sắm tại các mô hình siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ. Ngoài ra, có đến 25% số người được hỏi nói rằng họ đã đẩy mạnh việc mua sắm trực tuyến và cắt giảm tiêu dùng bên ngoài.
Trưởng phòng Consumer Insight Nielsen Việt Nam, ông Mohit Agrawal nhận định: “Người Việt Nam hiện đang dành nhiều thời gian cho các hoạt động trên mạng và chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều hơn. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các Marketer trong việc xây dựng các chiến lược phù hợp và đầu tư nhiều hơn vào kênh online”.
Người tiêu dùng trong nước ưu tiên việc chế biến thực phẩm tại nhà trong mùa dịch bệnh
3. Những mặt hàng được săn đón nhiều nhất
Cùng với những thay đổi trong thói quen mua sắm và tiêu dùng, việc tiêu thụ một số mặt hàng nhất định của người Việt Nam cũng có sự chuyển dịch. Theo đó, xu hướng dự trữ thực phẩm tại nhà đã dẫn đến sự “lên ngôi” của các loại hình sản phẩm như mì ăn liền (tăng 67%), thực phẩm đông lạnh (tăng 40%) và xúc xích tiệt trùng (tăng 19%). Ngoài ra, nước đóng chai và thực phẩm đóng gói cũng là những dòng sản phẩm đang dẫn đầu trào lưu này.
Bên cạnh đó, sản phẩm chăm sóc cá nhân (nước súc miệng, tăng 78%; vệ sinh cá nhân, tăng 45% và khăn giấy, tăng 35%) và sản phẩm chăm sóc tại nhà cũng tăng trưởng ấn tượng khi người dân đầu tư hơn vào việc chăm sóc sức khỏe để bảo vệ bản thân khỏi Covid-19 bằng cách tập trung vào vệ sinh và rửa dọn không gian sống.
Các mặt hàng đông lạnh được tiêu thụ nhiều hơn khi người dân có xu hướng tích trữ thực phẩm
Mặt khác, các tin tức R&D từ khảo sát của Nielsen cũng cho thấy người tiêu dùng nội địa có xu hướng cắt giảm các loại thực phẩm sống như thịt tươi, rau củ và hải sản trong đợt dịch bệnh này. Điều tương tự cũng diễn ra với các loại đồ uống, bia và nước giải khát (trừ nước) khi lượng tiêu thụ của những mặt hàng này sụt giảm.
Trước sự thay đổi của thị trường và insight người tiêu dùng trong nước, ông Mohit nhận định: “Các Marketer có thể tận dụng xu hướng này bằng cách thúc đẩy người tiêu dùng duy trì các thói quen sống lành mạnh trong một thời gian dài hơn. Điều này có thể được thực hiện bằng cách thông tin đến người tiêu dùng về các lợi ích của lối sống này và xây dựng một chiến lược thị trường phù hợp với các mặt hàng có sẵn được cung cấp tại đúng nơi và đúng giá”.
Bia rượu là mặt hàng bị ảnh hưởng về doanh thu trong mùa dịch Covid-19
Từ các tin tức R&D được tổng hợp trong bài viết trên, chúng tôi hy vọng rằng bạn đọc đã có cái nhìn tổng quan nhất về thị trường F&B và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người Việt trước sự lan tỏa của đại dịch Covid-19. Với những biến chuyển và xu hướng trên, các doanh nghiệp F&B trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam nên sớm có chiến lược phát triển phù hợp để giữ được vị thế cạnh tranh trong bối cảnh khó khăn hiện nay.