TẠI SAO PHẢI KỶ LUẬT BẢN THÂN?
“Kỷ luật được bản thân, không gì không thể thực hiện”.
(With self-discipline most anything is possible – Theodore Roosevelt)
Kỷ luật bản thân có thể nói là một quá trình thách thức nhất trong việc tự lãnh đạo bản thân, vì đây là ‘cuộc chiến’ không với ai khác, mà là với chính bản thân mình, đối tượng mà mình thương yêu nhất!
Phàm khi thương yêu một người nào, ta thường có khuynh hướng dễ dàng bỏ qua lổi lầm của người đó. Điều đó cũng đúng trong trường hợp này, và nó chính là lý do đã có rất nhiều người đã thất bại trong những ‘cuộc chiến’ như thế – Không thắng được chính mình! Chính vì thế, Khổng Tử đã từng dạy: “Dĩ thứ kỷ chi tâm thứ nhân; Dĩ trách nhân chi tâm trách kỷ”, nghĩa là hãy lấy lòng dễ tha thứ cho mình mà tha thứ cho người, và ngược lại, hãy lấy lòng hay trách người mà tự trách mình. Cũng như soạn giả Joseph Joubert đã từng nói: “Hãy hiền dịu bao dung với tất cả mọi người trừ chính mình.” Tất cả những ý tưởng đó, các học giả đếu muốn hướng chúng ta đến một tinh thần, đó chính là KỶ LUẬT BẢN THÂN.
Sau đây là một số kinh nghiệm tôi muốn chia sẻ với các bạn, và mong rằng các bạn sẽ xem trọng và thực hành nó, để trang bị cho mình một khả năng “không gì là không thể”, một khi đã “Kỷ luật được bản thân”!
LÀM VIỆC CÓ KẾ HOẠCH
Việc đầu tiên và vô cùng quan trọng là làm gì cũng nên lập kế hoạch. Xây dựng thói quen lập kế hoạch sẽ giúp chúng ta luôn ý thức được mục tiêu mình muốn đạt được khi làm một việc gì dó là gì, xác định được những việc liên quan phải làm để đạt mục tiêu đó, và luôn có phương án dự phòng để giải quyết những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện công việc để đạt mục tiêu. Từ những việc to lớn như khởi nghiệp ngành nghề gì, học gì để phát triển bản thân, cho đến những việc thường nhật như ăn uống như thế nào để giữ gìn sức khoẻ, tập luyện ra sao để nâng cao thể trạng cả về thể chất lẫn tinh thần, v.v…đều cần phải có kế hoạch và được viết ra giấy để đảm bảo thực hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn.
TUÂN THỦ THEO ĐÚNG KẾ HOẠCH
Rất nhiều người làm việc có kế hoạch, có lịch công tác rõ ràng, nhưng lại thiếu sự kiểm soát khi thực hiện. Kết quả là kế hoạch chỉ trên giấy và chưa bao giờ được hiện thực hoá. Kỷ luật bản thân là biết ép mình tuân thủ theo những gì đã hoạch định, đó chính là những gì mà mình – khi hoạch định – đã tự hứa với chính mình. Làm việc theo đúng kế hoạch chính là thể hiện tinh thần tự tin & tự trọng. Tin tưởng vào những gì mình đã hoạch định, quyết tâm thực hiện chúng sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho những giây phút mơ hồ, lưỡng lự, không biết bắt đầu từ đâu, không biết nên làm hay không và nhất là không thể hình dung kết quả sẽ như thế nào.
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC, QUI ĐỊNH
Nói có sách, mách có chứng, phàm làm việc gì chúng ta cũng nên tuân thủ theo những qui luật, nguyên tắc hiện hữu. Ở bất kỳ nơi nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải nhận biết được những gì nên làm, được làm và những gì không nên làm hay không được làm. Quốc pháp, gia qui, nội qui lao động, qui trình làm việc, qui tắc ứng xử, v.v… là những yêu cầu đòi hỏi chỉ những người có tinh thần kỷ luật bản thân cao mới có thể thực hiện một cách xuyên suốt và nhất quán. Làm đúng qui định luôn là yêu cầu tiên quyết để không phạm phải sai sót.
THÓI QUEN TỐT TRONG CÔNG VIỆC
ĐÚNG GIỜ: Đi làm đúng giờ, tốt nhất đi làm sớm để phòng tránh rủi ro kẹt xe, tắc đường. Đi làm đúng giờ sẽ đảm bảo trả lời kịp thời những cuộc gọi sớm, khẩn cấp của khách hàng; đi làm đúng giờ còn là làm gương cho các đồng nghiệp khác noi theo. Đi họp lại càng phải đúng giờ hơn nữa, vì đó là thể hiện sự tôn trọng đối với đối tác của mình. Tốt nhất nên đến sớm 15 phút để có thời gian chuẩn bị trước cho cuộc họp.
NGĂN NẮP: Sắp xếp nơi làm việc ngăn nắp, hồ sơ, giấy tờ để đúng nơi qui định, file và folder lưu trữ theo đúng qui cách thống nhất sẽ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và công sức khi cần dùng đến.
TẬP TRUNG VÀO CÔNG VIỆC: Giờ làm việc chỉ tập trung vào công việc, không mất thời gian cho những việc riêng tư (điện thoại, chat, chơi game, facebook, mua hàng trên mạng,…), biết nghỉ giải lao từ 5 đến 10 phút sau mỗi 1 đến 2 giờ làm việc, cho mắt và cơ thể được thư giãn, nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng. Thời gian là vàng bạc, không có khả năng quản lý thời gian sẽ là rào cản lớn trên bước đường dẫn đến thành công của chúng ta.
ỨNG XỬ KHÔN KHÉO: Xây dựng thói quen luôn niềm nở, thân thiện với đồng nghiệp, đối tác và khách hàng. Biết lắng nghe những gì người khác nói và nói những gì người khác thích nghe. Thể hiện tinh thần trách nhiệm theo câu nói “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Đỉnh cao của kỷ luật bản thân chính là ép mình thực hiện được những điều có khi bản thân mình không thích nhưng lại có lợi cho đại cuộc hay cho một mục tiêu nào đó mình cần hướng đến. Vì thông thường chúng ta thường có thói quen làm những gì mình thích hơn là quan tâm đến việc làm những gì cho người khác thích. Trong công việc hay trong quản trị sản xuất kinh doanh, đây lại là yêu cầu không thể thiếu để LÀM ĐÚNG VIỆC!
Anthony Mỹ
Chuyên gia đào tạo & tư vấn doanh nghiệp
Foodtechmaster.vn – Tin tức R&D thực phẩm Việt Nam