Theo báo cáo từ Liên Hợp Quốc, với mức cắt giảm lao động toàn thời gian lên đến 200 triệu người trong vòng 3 tháng, các tác động về mặt kinh tế của Covid-19 được dự đoán sẽ vượt xa so với khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009. Cũng theo dữ liệu từ cơ quan này, chủng virus mới có khả năng đe dọa đến đời sống kinh tế của 25 triệu người, đồng thời, chính sách cách ly xã hội sẽ ảnh hưởng đến gần 2.7 tỷ người – chiếm ⅘ tổng lực lượng lao động toàn thế giới. Trước những rào cản về tài chính do dịch bệnh gây ra, các doanh nghiệp có thể áp dụng những kỹ năng sống còn nào để giải quyết khó khăn trước mắt?
Tài chính là vấn đề nan giải với nhiều doanh nghiệp trong mùa dịch bệnh bùng phát
1. Đánh giá tình hình tài chính
Một trong những kỹ năng sống quan trọng nhất với một doanh nghiệp trong thời điểm này chính là hoạch định tài chính. Trước tiên, hãy tập hợp nhân viên lại và chuẩn bị kế hoạch nếu sự việc kinh doanh đang có dấu hiệu sa sút hoặc cần cải thiện. Tiếp theo, hãy đánh giá rủi ro tài chính, theo dõi sự leo thang chi phí trực tiếp và tác động của chúng đối với tỷ suất lợi nhuận chung. Sau đó, hãy mô phỏng các kịch bản tiềm năng và tìm ra cách quản lý tài chính hiệu quả trong từng trường hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần định giá các khoản thanh toán và giám sát dòng tiền ngắn hạn để dự đoán áp lực tài chính và can thiệp kịp thời.
Tái đánh giá khả năng tài chính của công ty sẽ giúp bạn dễ dàng định hướng các chiến lược mới
Trong suốt cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19, các công ty sẽ muốn duy trì liên lạc thường xuyên với các nhà cung cấp để xác định bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào. Vì vậy, kiểm soát nguồn vốn lưu động, đặc biệt là thu thập các khoản thu được và quản lý việc xây dựng hàng tồn kho là điều cần làm. Ngoài ra, các công ty cũng cần lưu ý quá trình làm việc với các cơ sở ngân hàng và các tổ chức tài chính khác có liên quan đến rủi ro suy giảm giá trị tài sản.
Dựa trên các kết quả đánh giá sức khỏe tài chính, các công ty có thể cần xem xét tăng vốn ngắn hạn, tái cấp vốn nợ hoặc hỗ trợ tín dụng bổ sung từ các ngân hàng hoặc nhà đầu tư hoặc hỗ trợ chính sách từ chính phủ.
Tối ưu hóa năng lực tài chính trong giai đoạn dịch bệnh sẽ tạo đà để doanh nghiệp trở lại vững vàng hậu dịch
2. Cắt giảm những nguồn tiền không cần thiết
Trong tình hình rất nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa vì tình hình tài chính, hãy chắc chắn rằng doanh nghiệp của bạn không lãng phí tiền cho những kế hoạch không cần thiết. Nếu việc kinh doanh và dòng tiền của doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn từ Covid-19, các giả định ngân sách và kế hoạch kinh doanh trước đây không còn phù hợp, các công ty nên nhanh chóng thay đổi hoặc tạm ngừng để duy trì hoạt động. Trong đó, những bộ phận tối thiểu nhất để cấu thành doanh thu chính là sự phụ thuộc của lực lượng lao động, nhà cung cấp, mặt bằng kinh doanh, cơ sở vật chất, công nghệ, Marketing và quảng cáo.
Theo kết quả từ khảo sát mới của nền tảng truyền thông xã hội cộng đồng Local Circles thực hiện trên các startup và SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ), hầu hết các công ty này đều có kế hoạch ứng phó với tình trạng kinh doanh ảm đạm trong giai đoạn Covid-19. Trong đó, có đến 26% nghĩ đến việc cắt giảm các chi phí bao gồm nhà cung cấp không thiết yếu và nhân sự. Tuy nhiên, có đến 37% không có kế hoạch cắt giảm chi phí bởi không dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh doanh. Vì vậy, bạn có thể đưa ra các quyết định cắt bỏ hay duy trì dựa trên đánh giá toàn diện về hoạt động động kinh doanh của công ty.
Tạm ngừng các hoạt động Marketing là cách nhiều doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong mùa dịch
3. Tận dụng nguồn lực sẵn có để kinh doanh
Trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giải trí gia đình, sản phẩm vệ sinh, dịch vụ giao hàng, dược phẩm sẽ dễ dàng “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên, không chỉ những công ty hoạt động trong các lĩnh vực này mới có thể vượt qua khó khăn kinh tế. Các doanh nghiệp khác, kể cả SME, đều có thể tìm ra cơ hội trong giai đoạn khó khăn này nếu biết cách tận dụng nguồn lực sẵn có và hiệu ứng xã hội. Đây được xem là “chiêu bài” hiệu quả và kỹ năng sống còn của nhiều doanh nghiệp hiện nay, từ những tập đoàn lớn cho đến các startup quy mô nhỏ.
Các mô hình kinh doanh sản phẩm khẩu trang “ăn nên làm ra” trong giai đoạn dịch bệnh
Một trường hợp đặc biệt là Grab Food với chính sách giao hàng tận nhà và đứng cách xa khách hàng ít nhất 2m để giảm thiểu các tương tác xã hội.Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu tại Slightly Robot của Mỹ hiện đang bán một ứng dụng dành cho iPhone và Android được thiết kế cho các thiết bị đeo được với giá 50 đô la với tính năng khuyến khích người dùng không chạm vào mặt. Với tên gọi Immutouch, ứng dụng này vốn dĩ được thiết kế dành cho những người gặp triệu chứng tự nhổ tóc, nhặt da và cắn móng tay.
Trước tình hình nhiều công ty đang cho nhân viên làm việc tại nhà, các ứng dụng kết nối như Zoom, Microsoft Teams và Slack đang được tăng cường nhiều tính năng sử dụng mới cho phép nhiều người dùng được tham gia vào các meeting hoặc nâng cao tính bảo mật.
Zoom mở rộng lượng người dùng dược tham gia vào một meeting để đáp ứng nhu cầu làm việc tại nhà của nhiều công ty
4. Liên tục cập nhật thông tin mới
Cuối năm 2019, dịch bệnh được giới hạn ở Trung Quốc và đang được kiểm soát, tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, các tâm dịch tại nhiều nơi trên thế giới tăng lên hàng ngày. Do đó, để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, kỹ năng sống còn quan trọng nhất chính là cập nhật thông tin dịch bệnh từng ngày, từng giờ. Một bức tranh toàn diện về tình hình đại dịch và một kế hoạch đối phó khả thi có thể trở thành nhân tố quyết định tạo nên sự phát triển và bắt kịp dòng chảy hậu dịch.
Cập nhật nhanh chóng các thông tin thị trường là kỹ năng sống còn nhiều cá nhân và doanh nghiệp cần có
Tái xây dựng kế hoạch tài chính, giản lược những kế hoạch không cần thiết, tận dụng những yếu tố có thể sinh lời sẵn có và không ngừng trang bị kiến thức mỗi ngày chính là những bài học kinh doanh đắt giá cho mọi doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Bằng cách áp dụng những kỹ năng sống quan trọng trong bài viết trên, chúng tôi tin rằng mọi doanh nghiệp đều có thể vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế và sẵn sàng cho “cuộc đua” thị trường hậu dịch.