Millennial, thế hệ Z – những lớp người trẻ hiện đại mang trong mình một khả năng thích ứng, một kỹ năng sống mạnh mẽ giữa mọi hoàn cảnh, một tinh thần cầu tiến và phát triển bản thân trước vô vàn thách thức, đang thực sự đối mặt với một trong những khủng hoảng toàn cầu được cho là nghiêm trọng nhất trong suốt những năm vừa qua – đại dịch Covid-19.
Một cơ hội? Một thách thức? Đối với những người trẻ, đại dịch này sẽ là gì? Họ sẵn sàng bước tiếp, chiến đấu và phát triển, hay dừng lại và nhường chỗ cho những thế hệ sau ở “cuộc sàng lọc tự nhiên” này?
Thế hệ trẻ hiện đại là thế hệ thích ứng và thay đổi rất nhanh trong nhiều hoàn cảnh
1. Thách thức – Những áp lực từ dịch Covid-19
30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng về việc làm, 897.500 người thất nghiệp, 2,4 triệu lao động mất việc,… Đây chỉ là những con số ước tính rất nhỏ để nói lên một trong những khó khăn có ảnh hưởng lớn nhất trong đại dịch Covid-19.
Đối với lớp trẻ hiện đại, tài chính đóng một vai trò cực kỳ lớn. Khi công việc chiếm đến 60% quỹ thời gian, mọi sự cố gắng, công sức để trau dồi những kỹ năng sống hầu như đều phục vụ cho mục đích công việc, thì việc bị đánh mất điều này trong cuộc sống thường nhật là một trở ngại không hề dễ dàng để vượt qua.
Covid-19 giáng một đòn nặng nề lên vấn đề tài chính của phần lớn thế hệ millennial và gen Z
Đi cùng việc mất việc làm, thường tâm lý của những người trẻ cũng rất dễ bị lung lay, từ đó ảnh hưởng lên nhiều mặt khác trong cuộc sống. Điển hình nhất có thể thấy là sự thay đổi về tinh thần trong các mối quan hệ tình cảm, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,…
Đặc biệt ở những thế hệ trẻ là những đối tượng thường xuất hiện những căn bệnh về tâm lý rất phổ biến như OCD (chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế), rối loạn lưỡng cực, trầm cảm,…lại càng có nguy cơ rơi vào những trạng thái tâm lý bất ổn hơn khi phải đối mặt với những áp lực không tên từ khủng hoảng toàn cầu này.
Chưa kể đến những áp lực đến từ những yếu tố bên ngoài, các vấn đề xã hội, chính trị nằm ngoài kiểm soát trong quá trình diễn biến của đại dịch như nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt địa vị, giai cấp xã hội,…cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chung của thế hệ người trẻ.
Covid-19 ảnh hưởng đến tâm lý chung của bộ phận lao động trẻ tuổi
2. Cơ hội – Bồi đắp, nhìn nhận và phát triển bản thân
Kỹ năng sống – đây dường như là ba chữ cần được nhắc đến nhiều nhất trong đợt đại dịch vừa qua, không chỉ với người trẻ, mà còn với tất cả mọi người. Nhìn sâu hơn, trải qua hơn 7 tháng đương đầu với khủng hoảng toàn cầu này, có nhiều mất mát, nhưng cũng có rất nhiều bài học, cơ hội được mở ra, tác động “ngược” một cách tích cực lên thế hệ trẻ ngày nay.
Đại dịch đem đến những mất mát, nhưng vẫn có những tác động khá tích cực lên một số khía cạnh của cuộc sống
Về lối sống, tâm lý
Có những sự thay đổi rõ rệt trong thói quen sinh hoạt trong cộng đồng những người trẻ – những đối tượng trước đây được coi là quá chú tâm vào công việc và lơ là sức khỏe. Những dòng thực phẩm, cách ăn uống có lợi cho sức khỏe được ưu tiên hơn. Thay vì ăn uống bên ngoài, thì tự nấu ăn ở nhà, dự trữ các loại thực phẩm tiện lợi, giá thành hợp lý và dễ bảo quản được lựa chọn nhiều hơn.
Về xã hội, đây là cũng là một thời điểm tốt để thế hệ trẻ có thể lùi lại một bước, quan sát kỹ hơn những vấn đề xã hội trong đại dịch diễn ra xung quanh mình, để từ đó có một cái nhìn khách quan hơn, đồng cảm hơn với những hoàn cảnh kém may mắn, và rút ra được cho bản thân những bài học đáng giá hơn về cuộc sống.
Lối sống lành mạnh hơn với nấu ăn tại nhà cùng thực phẩm tốt cho sức khỏe là một trong những tác động tích cực từ đợt cách ly xã hội vừa qua.
Về công việc, kinh tế
Đợt giãn cách xã hội toàn cầu vừa qua là một khoảng thời gian quý báu để những người trẻ có thể thực sự ngồi xuống, sống chậm lại và lên kế hoạch chắc chắn hơn cho quãng đường phát triển bản thân sắp tới.
Những cộng đồng chia sẻ kiến thức trực tuyến ở nhiều lĩnh vực, các khóa học online về ngôn ngữ, quản trị, kỹ năng mềm,… đang chứng kiến sự gia nhập mạnh mẽ của nhiều đối tượng, đặc biệt là những người trẻ đang trên đà lao động, có nhu cầu học hỏi và nghiên cứu cao.
Theo Tổng cục thống kê, tỉ lệ thất nghiệp tăng nhiều nhất ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp trong đại dịch vừa qua. Điều này càng làm rõ hơn sự khốc liệt của cuộc “sàng lọc tự nhiên” này. Nhất là với thế hệ trẻ, một hành trang vững chắc về cả kiến thức, vật chất và kỹ năng sống luôn là một bước đệm mạnh mẽ giúp bản thân tự tin trụ vững, và tiến xa hơn, bất kể là hoàn cảnh nào.
Lên kế hoạch phát triển bản thân, học những điều mới là cách thế hệ trẻ có thể tận dụng cơ hội trong giai đoạn khó khăn toàn cầu này.
Dù là thách thức hay cơ hội, “cuộc sàng lọc” đầy tính khắc nghiệt này từ đại dịch Covid-19 đã ít nhiều mang lại cho toàn thế giới nói chung, và thế hệ trẻ nói riêng một trải nghiệm đáng suy ngẫm. Chúng tôi hy vọng từ những thông tin trên, bạn đọc đã có một cái nhìn tổng quan hơn về cách thế hệ trẻ giải quyết vấn đề và nâng cao kỹ năng sống trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này.